Khi làm việc với các ứng dụng, với những dự án nhỏ thì việc tạo một ứng dụng rất dễ dàng, tuy nhiên khi làm với những dự án lớn, cần nhiều người cùng làm thì việc lập trình sẽ trở nên phức tạp. Chính vì vậy, để dễ dàng hơn trong việc quản lý các thành phần của hệ thống cũng như ảnh hưởng tới các thành phần khác khi ta thay đổi một thành phần, chúng ta thường nhóm các thành phần có cùng chức năng lại với nhau. Chính vì thế các mô hình lập trình được sinh ra, một trong những mô hình lập trình đó là mô hình 3 lớp (3-Layer).
Mô hình 3 lớp được xây dựng sẽ bao gồm: Presentation Layers, Business Logic Layers, và Data Access Layers.
1. Presentation: Lớp giao tiếp với người dùng cuối để thu thập dữ liệu và hiển thị kết quả/dữ liệu thông qua các thành phần trong giao diện người sử dụng, còn được gọi là lớp GUI (Graphic Users Interface)
2. Business Logic: Đây là lớp xử lý chính các dữ liệu trước khi được đưa lên hiển thị trên màn hình hoặc xử lý các dữ liệu trước khi chuyển xuống lớp Data Access lưu trữ vào CSDL. Đây cũng là nơi kiểm tra ràng buộc, các yêu cầu nghiệp vụ, tính toán, xử lý các yêu cầu và lựa chọn kết quả trả về cho lớp Presentation.
3. Data Access: Lớp này thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến lưu trữ và truy xuất dữ liệu của ứng dụng như đọc, lưu, cập nhật CSDL.
Về cơ bản, 3 lớp sẽ được thực hiện vận hành như sau:
– Đầu tiên người sử dụng giao tiếp với lớp Presentation (GUI) để gửi đi thông tin và yêu cầu. Tại lớp này, các thông tin sẽ được kiểm tra, nếu OK chúng sẽ được chuyển xuống lớp Business Logic (BLL).
– Tại lớp BLL, các thông tin sẽ được xử lý, tính toán theo đúng yêu cầu đã gửi, nếu không cần đến Database thì BLL sẽ gửi trả kết quả về GUI, ngược lại nó sẽ đẩy dữ liệu (thông tin đã xử lý) xuống Data Access Layer (DAL).
– Lớp DAL sẽ thao tác với Database và trả kết quả về cho BLL, BLL kiểm tra và gửi nó lên GUI để hiển thị cho người dùng.
– Một khi gặp lỗi (các trường hợp không đúng dữ liệu) thì đang ở layer nào thì gửi lên trên lớp cao hơn nó 1 bậc cho tới GUI thì sẽ gửi ra cho người dùng biết.