Bạn có thật sự hiểu thiết kế đồ họa là gì không? Đó là một khái niệm dường như rất quen thuộc nhưng không phải ai cũng có thể đưa ra được định nghĩa chính xác. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những hiểu biết cơ bản nhất về thiết kế đồ họa và các loại hình của nó.
Thiết kế đồ họa là gì?
Thiết kế đồ họa là một hình thức mà người thiết kế được tự do lựa chọn, sáng tạo, sắp xếp các yếu tố thị giác như minh họa, ảnh chụp, chữ viết và các đường nét trên một bề mặt để tạo ra và truyền tải một thông điệp.
Thiết kế đồ họa nhìn chung được ứng dụng rộng rãi trong thế giới quảng cáo, bao bì, phim truyện và nhiều thứ khác. Sau đây là một số ý kiến cá nhân khác nhau về thiết kế đồ họa được lấy từ Wikipedia:
Suyanto định nghĩa thiết kế đồ họa là: “nghệ thuật và ứng dụng của các kỹ năng giao tiếp cho nhu cầu của kinh doanh, thương mại và công nghiệp”. Những ứng dụng này bao gồm quảng cáo, các bộ nhận diện thương hiệu, sản phẩm, thiết kế gần gũi với môi trường, thiết kế cung cấp thông tin và xuất bản.
Jessica Helfand tại trang http://www.aiga.org/ cho rằng thiết kế đồ họa là một sự kết hợp phức tạp của hình ảnh và chữ viết, số và bảng biểu, ảnh chụp và tranh minh họa, thể hiện suy nghĩ đặc biệt của một cá nhân, chính là người thiết kế ra những yếu tố này. Những yếu tố này có thể rất hữu dụng, bất ngờ, độc đáo hoặc rất dễ nhớ…
Theo Michael Kroeger thiết kế đồ họa là sự thực hành các giả thuyết và ý tưởng thông qua việc sử dụng màu sắc, hình khối, đường nét và sắp xếp.
Thiết kế đồ họa bao gồm những loại hình nào?
Nói một cách mở rộng, thiết kế đồ họa được chia thành nhiều loại:
1. Thiết kế ấn phẩm: bao gồm thiết kế bìa sách, bìa tạp chí, thiết kế poster, tờ rơi, brochure, quảng cáo, danh thiếp và các ấn phẩm khác.
2. Thiết kế trang web
3. Phim ảnh bao gồm CD, DVD, clip…
4. Thiết kế thương hiệu: logo và bộ nhận diện thương hiệu…
5. Thiết kế bao bì sản phẩm
Một số phần mềm được sử dụng trong quá trình thiết kế đồ họa
1. Quá trình xây dựng thiết kế
Những phần mềm để xây dựng thiết kế thường dùng cho việc tạo ra các brochure, các cuốn sách mỏng, và những thứ tương tự để tính toán, sắp đặt vị trí của chữ viết và hình ảnh lấy từ các phần mềm khác như Adobe Photoshop một cách hiệu quả. Nhóm những phần mềm đồ họa này gồm có Adobe FrameMaker, Adobe In Design, Adobe PageMaker, Corel Ventura, Microsoft Publisher, Quark Xpress
2. Tạo hình ảnh Vector
Những phần mềm đồ họa để tạo hình ảnh vector thường dùng là Adobe Illustrator, Beneba Canvas, CorelDraw, Macromedia Freehand, Metacreations Expression, Micrografx Designer.
3. Xử lý ảnh dạng Pixel
Những phần mềm để xử lý hình ảnh hoặc sáng tạo các Photo Manipulation (hình chế tác). Ảnh được tạo ra bởi rất nhiều các tập hợp điểm pixel có mật độ và màu sắc riêng. Hơn thế, các chương trình thuộc nhóm này còn có thể xử lý chữ và các đường nét nhưng coi chúng như là tập hợp các pixel. Đối tượng được nhập vào chương trình từ phần mềm tạo ảnh vector, sau khi được xử lý bằng phần mềm xử lý ảnh dạng pixel sẽ tự động chuyển thành hình ảnh dạng pixel (điểm ảnh). Các phần mềm đồ họa trong nhóm này là: Adobe Photoshop,Corel Photo Paint, Macromedia Xres, Metacreations Painter, Metacreations Live Picture, Micrografx Picture Publisher, Microsoft Photo Editor, QFX, Wright Image
4. Xử lý Video
Phần mềm đồ họa trong nhóm này có thể chèn chữ (karaoke, phụ đề…), thêm các hiệu ứng hình ảnh, âm thanh, sóng… Đó là các chương trình như Adobe After Effects, Power Director, Show Biz DVD, Ulead Video Studio, Premier Elements, Easy Media Creator…
5. Xây dựng các ứng dụng đa phương tiện
Những chương trình thuộc nhóm này thường được dùng để tạo ra các sản phẩm đa phương tiện dưới dạng quảng bá, thiết kế những sản phẩm có tính tương tác và tích hợp đa phương tiện phục vụ các lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, giáo dục và giải trí. Đồ họa đa phương tiện dùng để sản xuất game, kỹ xảo, phim hoạt hình 3D… Các phần mềm đồ họa thường dùng của nhóm này là: Macromedia, Macromedia Authorware, Adobe Director, Macromedia Flash, Multimedia Builder, Macromedia Director…