Khi xã hội ngày càng phát triển, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã ảnh hưởng rộng rãi đến mọi mặt của đời sống và khái niệm không gian mạng, không gian ảo ngày càng quen thuộc với tất cả chúng ta.
Không thể phủ nhận lợi ích của không gian mạng mang đến, tuy nhiên nó sẽ trở thành con dao hai lưỡi, nếu như người sử dụng chia sẻ sai sự thật, phát ngôn thiếu kiểm soát, lệch chuẩn và thậm chí là thô tục. Điển hình trong thời gian gần đây thì có những vụ việc bị xử phạt do đưa thông tin sai lệch về dịch bệnh, những phát ngôn thiếu kiểm soát, lệch chuẩn và thậm chí là thô tục. Điển hình trong thời gian gần đây thì có những vụ việc bị xử phạt do đưa thông tin sai lệch về dịch bệnh, những phát ngôn công kích, xúc phạm danh dự trong giới nghệ sỹ. Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa được Bộ thông tin và truyền thông ban hành, có thể xem là viên gạch đầu tiên tạo tiền đề cho nền tảng ứng xử trên môi trường mạng.
Theo một con số thống kê vào đầu năm nay, Việt Nam có hơn 70 triệu người đang sử dụng internet, chiếm gần 70% dân số. Trong số này, 95% người dùng vào internet thông qua di động và dành hơn 3 tiếng để truy cập mạng, trong đó dành không ít thời gian vào mạng xã hội. Những thống kê trên cho thấy mạng xã hội tuy ảo nhưng tác động đời sống thật ngày càng lớn. Với số lượng người sử dụng mạng xã hội chiếm khoảng 70% dân số thì cho thấy, mạng xã hội đang trở thành một trong những môi trường rất quan trọng, trong việc cung cấp về tin tức, kiến thức và tất cả các lĩnh vực khác.
Sự ra đời của Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ TT&TT ban hành mới đây giống như một thể chế cơ sở hạ tầng từ dưới lên, điều chỉnh hành vi ứng xử của cộng đồng ở khía cạnh văn hóa, đạo đức, dùng áp lực nhóm để điều tiết hành vi.
Bộ quy tắc ứng xử mạng xã hội được kỳ vọng có thể tạo nên một môi trường lành mạnh, an toàn, nếu như mỗi người sử dụng tự hình thành những thói quen tốt và chủ động giữ gìn các giá trị đạo đức trên môi trường mạng.
PGS. TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục – Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Về mặt pháp luật, Việt Nam đã có Luật An ninh mạng và hệ thống văn bản dưới luật, tạo ra một hành lang pháp lý ở kiến trúc thượng tầng, điều chỉnh hành vi ứng xử nói chung trên mạng xã hội khi vi pháp pháp luật”.
PGS. TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục – Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội
Bộ Quy tắc này cũng giống như một hương ước – là những quy ước điều lệ của một cộng đồng sống trên cùng một không gian tự đặt ra và cam kết với nhau. Đồng thời, mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm về những hành vi ứng xử, thông tin hình ảnh mà họ chia sẻ trên các mạng xã hội nói chung.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng: “Với Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội thì mỗi cá nhân bên cạnh việc chấp hành pháp luật cũng phải tuân thủ chuẩn mực văn hóa khi tham gia không gian mạng. Có thể hiểu như đây là quy tắc “mềm” về mặt đạo đức khi tham gia trên không gian mạng”.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cũng cho rằng việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội có tác dụng lớn để có thể điều tiết hành vi của mỗi người trên môi trường mạng khi mà ảnh hưởng từ đây ngày càng lớn. Những người sử dụng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về những hành động, phát ngôn, hình ảnh của mình.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Đỗ Quý Vũ khẳng định: “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là tập hợp tất cả các quy định về các hành vi ứng xử, chuẩn mực đạo đức, văn hóa trên môi trường mạng và có tính chất khuyến nghị đối với các tổ chức, cá nhân, nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội”.
Ông Đỗ Quý Vũ – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông
KHI THAM GIA MÔI TRƯỜNG MẠNG
CHÚNG TA CẦN ĐẶC BIỆT GHI NHỚ CÁC HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM
1. Tổ chức hoạt động cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc.
3. Thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế, xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan tổ chức, cá nhân.
4. Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người, đăng tải thông tin dâm ô, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
5. Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội./.