Nhìn lại cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử năm học 2021 – 2022

bài giảng e-learning

Bài giảng lọt vào vòng thi Chung khảo của Cuộc thi thiết kế bài giảng e-Learning năm học 2016-2017

Sau 5 năm Bộ Giáo dục và Đào tạo lại một lần nữa tổ chức Cuộc thi thiết kế bài giảng. Lần này có khác với năm học 2016 – 2017 là có thêm kiểu bài giảng video – đây là kiểu bài giảng phổ biến nhất, thịnh hành nhất trong giai đoạn hiện nay, đơn giản là nó chạy được trên tất cả các nền tảng từ mạng xã hội cho đến website.

Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại Cuộc thi thiết kế bài giảng e-Learning năm học 2016 – 2017.

Từ ngày phát động cuộc thi, đến hết ngày 31/11/2016, Ban Tổ chức Cuộc thi đã nhận được 12.216 bài dự thi của thầy cô cả nước gửi về. Trong đó:

– Số bài thuộc chủ đề Dư địa chí là 2.812 bài (từ 38 Tỉnh/Thành gửi bài tham gia).

– Số bài thuộc chủ đề các Môn học là 9.404 bài (từ 43 Tỉnh/Thành gửi bài tham gia).

Kết quả: Hơn 4.000 bài giảng đủ tiêu chuẩn về kỹ thuật và nội dung được lựa chọn đưa vào kho bài giảng e-Learning của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, có 800 bài giảng lọt vào vòng Chung khảo của Cuộc thi.

Các bài giảng đạt giải bao gồm:

– Chủ đề môn học: Giải nhất (7 bài giảng); Giải nhì (18 bài giảng); Giải ba (30 bài giảng); Giải KK (50 bài giảng).

– Chủ đề dư địa chí: Giải nhất (3 bài giảng); Giải nhì (10 bài giảng); Giải ba (20 bài giảng); Giải KK (30 bài giảng).

Trong cuộc thi năm học 2016-2017, tỉnh Yên Bái có 6 bài tham gia dự thi, trong đó có 3 bài giảng lọt vào vòng thi chung khảo và có một bài thi đạt giải Nhì.

Giải nhì e-Learning quốc gia

Bài giảng đạt giải Nhì Cuộc thi thiết kế bài giảng e-Learning năm học 2016-2017

Cuộc thi năm học 2021-2022 được phát động từ ngày 5/10/2021 đến ngày 5/11/2021. Chỉ sau 1 tháng phát động, Ban tổ chức Cuộc thi đã tiếp nhận 41.670 bài giảng, trong đó có 26.374 bài giảng e-learning và 15.296 video bài giảng. Nhiều nhất là các bài giảng của các giáo viên khối lớp 6 với 7.255 bài, lớp 2 với 4.341 bài và lớp 1 với 3.950 bài. Số bài giảng thuộc chương trình sách giáo khoa mới chiếm tỷ lệ 37% tổng số bài dự thi. Cũng trong cuộc thi này, tỉnh Yên Bái có số lượng bài giảng tham gia đông đảo hơn (chúng tôi không đề cập đến các con số cụ thể vì Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa công bố chính thức kết quả của cuộc thi này).

Qua con số thống kê nêu trên chúng ta có thể thấy số lượng, quy mô bài giảng năm nay đã vượt xa so với năm học 2016 – 2017. Đại đa số các thầy/cô giáo lựa chọn kiểu bài giảng e-Learning, đơn giản là trong những năm qua họ đã quá quen thuộc với việc thiết kế loại bài giảng này. Mặt khác, kiểu bài giảng e-Learning có thêm phần tương tác cho học sinh với phần thi trắc nghiệm. Với một số lượng bài giảng gấp nhiều lần so với 5 năm trước, cho đến thời điểm hiện tại Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa công bố kết quả Cuộc thi này.

Để đạt giải trong cuộc thi này, các bài giảng tham gia cần hội tụ đầy đủ được 4 yếu tố sau đây:

Một là, Trình độ chuyên môn: Đại đa số các thầy/cô giáo được lựa chọn tham gia tại các tỉnh/thành đều là những con người xuất sắc, nên về cơ bản các bài giảng tham gia sẽ hội tụ được yếu tố này.

Hai là, Thiết kế nội dung: Các bài giảng có lối dẫn dắt nội dung lôi cuốn, thu hút được người học đương nhiên sẽ là một điểm cộng.

Ba là, Chất lượng hình ảnh, âm thanh: Bài giảng cần có hình ảnh tốt, không có những âm thanh tạp, lời nói nghe rõ ràng, mạch lạc,… Sẽ có lợi cho những bài giảng sử dụng thiết bị chuyên nghiệp để thu âm, ghi hình. Đại đa số các bài giảng sẽ sử dụng nền xanh để ghép phông ảo. Sẽ là một bài toán khó nếu sử dụng thiết bị không tốt, việc xóa phông có thể dễ làm mờ, nhòe hình ảnh bài giảng.

Bốn là, Thiết kế: Rõ ràng đây là một cuộc thi thiết kế. Chính vì vậy, những bài giảng có thiết kế tốt sẽ giành được ưu thế rất lớn.

Đây là một cuộc thi lớn, một cuộc thi có sự góp mặt của đông đảo các thầy/cô giáo cả nước tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc số hóa nước nhà. Cũng từ cuộc thi này, các thầy/cô giáo tham gia đã phát triển thêm được những kỹ năng quan trọng về công nghệ thông tin. Xem các chia sẻ của các thầy/cô giáo trên mạng xã hội cho thấy sự tâm huyết, gian nan, vất vả như thế nào khi thiết kế hoàn chỉnh được một bài giảng điện tử. Dù chưa biết kết quả như thế nào, nhưng chúng ta hãy cùng nhau hi vọng tỉnh nhà sẽ có nhiều giải thưởng trong cuộc thi năm nay, năm học 2021-2022 với nhiều chuyển biến tích cực./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *