NỘI DUNG
Đang dự kiến lấy con lens này, sưu tầm một bài viết trên duytom.com, sau khi mua chúng tôi sẽ có bài trải nghiệm lens Canon EF-s 55-250mm. Theo đánh giá thì đây là một Lens tele chất lượng và rẻ, giá mua trên máy ảnh cũ Hà Nội là 1.8 triệu. Tất nhiên thêm STM thì giá khoảng 2.8 triệu, từ năm 2015 cho đến thời điểm hiện tại, giá không hề thay đổi 😀 Bài viết dưới đây về Lens Canon EF-S 55-250mm f/4-5.6 STM, về cơ bản thì hai lens cho chất lượng như nhau.
Đánh giá của DuyTom: Rất tốt
Giá Canon EF-s 55-250mm f/4-5.6 IS STM:
2.8 – 3.7 triệu
Năm: 2013
Đối tượng: nhiếp ảnh nghiệp dư
Phù hợp: chụp chim, thú hoang dã, thể thao, thiên văn, chân dung, macro
Giới thiệu
Canon EOS 100D – EF-S55-250mm f/4-5.6 IS STM – ƒ/5.6 – 250mm – 1/100 giây – ISO: 320
Mảnh đất tele-siêu zoom luôn là nơi để các hãng phô trương công nghệ và sức mạnh. Vì vậy các lens loại này luôn thuộc loại đắt nhất, cao cấp nhất. Lướt qua một lượt những lens chạm mốc trăm triệu, chúng ta sẽ thấy toàn lens tele đình đám như Canon 800mm f/5.6, Canon 600mm f/4.0L, Sigma 500mm f/2.8, Sigma 300-800… Đây là những lens mà photographer chuyên nghiệp trên khắp thế giới tin dùng: phóng viên olympic, worldcup, phóng viên các kênh khám phá nổi tiếng discovery, national geographic, những nhà động vật học, quan sát thiên văn, v.v… Những lens này được thiết kế với cấu trúc cực kỳ phức tạp, để có thể lấy nét siêu nhanh, siêu chính xác, với chất lượng ảnh không chê vào đâu được. Người ta dùng hàng thú dữ này để nắm bắt lại những khoảnh khắc ngắn ngủi chỉ diễn ra một lần, mà nếu chụp sai thì sẽ không có cơ hội sửa sai.
Tất nhiên, một khi đã bước chân vào thế giới nhiếp ảnh, ai trong chúng ta cũng thèm khát được sở hữu một trong những lens khủng long trên. Nếu ai đó cầm trên tay máy to lens trắng, thì có lẽ không cần nhìn mặt đã biết đẹp trai rồi 😀 ! Thế nhưng ở thời điểm này (2015), combo chuyên nghiệp tele-zoom rẻ nhất bạn có thể sở hữu là: 7D Mark II + 100-400mm IS II, với giá xấp xỉ 70 triệu! Đây là cái giá có thể nói là quá chát với hầu hết người Việt Nam. Và bạn cần nhớ 400mm mới chỉ là tiêu cự tối thiểu để có thể chụp chim thú tương đối ổn.
Như vậy có phải với sinh viên nghèo nghèo như chúng ta, ước mơ chụp tele coi như là sụp đổ? Rất may là không phải như vậy. Với giá trên dưới 3 triệu (2015), bạn hoàn toàn có thể mua được lens Canon EF-s 55-250mm f/4-5.6 IS STM. Trên dòng máy crop 1.6x, tiêu cự tương đương thành 88-400mm, dải zoom còn rộng hơn cả Canon 100-400 IS II với giá gần 50 triệu! Woohooooo!!!
55-250mm f/4-5.6 IS STM là một trò đùa khó đỡ khác của Canon, bởi nếu sử dụng với mục đích nghiệp dư, bạn rất khó phân biệt đâu là ảnh chụp bởi 55-250 STM giá hơn 100$, đâu là ảnh chụp bởi 100-400 IS L với giá cả nghìn đô. Dùng 55-250STM trên máy crop 1.6x có tiêu cự tương đương 100-400 IS trên máy full-frame. Canon 55-250mm f/4-5.6 STM lại có màu sắc và chi tiết siêu đẳng, vô cùng đáng giá so với tầm tiền. Vì vậy nếu bạn là người chơi nghiệp dư thì không có lý do gì để phải mua lens hàng khủng siêu đắt trên. Bạn sẽ phải vác nặng hơn, cồng kềnh hơn, tiêu cự thì vẫn thế, mà túi tiền của bạn vơi thêm tới 5, 6 chục triệu! Thêm nữa, bạn sẽ tránh được sự tò mò của người đi đường trong trường hợp bạn nhút nhát không muốn thu hút sự chú ý. Canon EF-s 55-250mm f/4-5.6 IS STM chỉ to hơn lens kit một chút xíu.
Trong 2 tấm chụp chim bồ câu dưới đây (ảnh gốc không chỉnh màu), một tấm chụp bằng Canon 100D – 55-250 STM (giá xấp xỉ 10 triệu), một tấm chụp bằng 6D – 100-400 IS L (giá xấp xỉ 50 triệu). Bạn có phân biệt được tấm nào được chụp bằng combo nào không?
Đáp án: Tấm trên được chụp bởi Canon 100D – 55-250 STM (giá xấp xỉ 10 triệu), tấm dưới chụp bằng 6D – 100-400 IS L (giá xấp xỉ 50 triệu)
Mở ngoặc: Tất nhiên Canon EF-s 55-250mm f/4-5.6 IS STM có những giới hạn của nó. Thứ nhất là nó không tương thích với hầu hết teleconverter hiện nay, đồng nghĩa với việc bạn không thể nối dài thêm tiêu cự khi cần. Thứ 2 là khi dùng trên các máy crop rẻ tiền, tốc độ chụp, chất lượng focus cũng kém hẳn so với các máy full-frame đắt tiền, dẫn tới ảnh hỏng nhiều hơn, bỏ lỡ nhiều khoảnh khắc đẹp và hiếm hơn (ví dụ khi chim cất cánh bay chẳng hạn).
Ưu điểm của lens này gồm:
– Tiêu cự rất xa, trên máy crop 1.6x tương đương với 88-400mm, dải tiêu cự vô cùng hữu ích và rộng hơn hầu hết các lens tele zoom hiện nay.
– Màu sắc đẹp, tương phản tốt
– Cực kỳ sắc nét
– Focus nhanh và chính xác
– Giá quá tốt
– Chuyên chụp chim, thú, thể thao, thiên văn, chân dung, macro
Nhược điểm:
– Làm bằng nhựa là chính nên có vẻ không được bền và chắc chắn
– Chỉ dùng được trên máy ASP-C (Máy Canon crop 1.6x), không lắp được lên máy full-frame hoặc 1.3x luôn
– Không tương thích với hầu hết teleconverter, dẫn đến không thể nối dài tiêu cự được
– Khó chụp các khoảnh khắc cực nhanh do hầu hết máy crop 1.6x hiện nay đều yếu, chụp chậm. Điều này khiến cho Canon EF-s 55-250mm f/4-5.6 IS STM chỉ dùng được nghiệp dư và chơi bời chứ không cho mục đích chuyên nghiệp được.
Giá Canon EF-s 55-250mm f/4-5.6 IS STM
2.8 – 3.7 triệu (Giá 2015)
Giá này quá tốt so với chất lượng lens.
Thông số kỹ thuật
Ký hiệu
– EF-S: Lens chỉ dùng trên máy ASP-C (Máy Canon crop 1.6x)
– IS: Tính năng chống rung
– STM: Sử dụng Stepper-motor, hoạt động cực êm ái khi lấy nét, rất hữu dụng khi quay video.
Tiêu cự
55-250mm.
Trên máy crop 1.6x, tiêu cự tương đương 88-400mm trên máy Full-frame. Đây là dải tiêu cự tuyệt vời và rất đa dụng
Khả năng zoom xa cực kỳ đáng nể của 55-250STM, khoảng cách từ người chụp đến người trong ảnh là hơn 1km
Khẩu độ
f/4 – 5.6
Kích thước kính lọc
58mm. (Giá mua kính lọc Kenko khoảng 200 – 250 nghìn)
Lấy nét gần nhất
0.85m
Kích thước
70mm x 111.2mm
Nặng
375g
Hood
ET-63 (không đính kém)
Case
LP-1019
Sử dụng
Chụp động vật hoang dã:
Những lens cũ hơn như 70-300mm (non L), khi zoom hết cỡ ở 300mm thì không nét tại khẩu độ to f/5.6, phải khép xuống f/8 – f/11 thì mới ổn. Canon EF-s 55-250mm f/4-5.6 IS STM thì không vậy. Lens nét ngay tại khẩu to nhất là f/4 – 5.6, và đây là một điều tuyệt vời. Để chụp chim/thú tốt, bạn cần chọn ngày nhiều nắng, càng nhiều càng tốt, vì Canon EF-s 55-250mm f/4-5.6 IS STM rất thích ánh sáng. Bạn khép khẩu trong khoảng f/5.6 – 8, chọn tốc độ cửa chập khoảng 1/1000 giây nếu muốn bắt dính lúc động vật chuyển động. Sau đó canh hết sức kiên nhẫn, và phải thật nhanh nhạy. Ví dụ chim chẳng hạn, sẽ cất cánh cực nhanh, và nếu bạn chậm chỉ một tích tắc thì khung hình của bạn sẽ trống trơn không có con chim nào đâu.
Nếu bạn chuyên chụp chim, thì ví dụ với chim sẻ (to bằng nắm tay), khoảng cách thích hợp để cho ra hình ảnh đẹp, nét là trong tầm 10 – 30m. Xa hơn khoảng cách này, hỉnh ảnh chim sẽ nhỏ và nhòe. Tất nhiên nếu bạn chụp chim diều hâu hay đại bàng thì lại là chuyện khác.
55-250 STM đủ mạnh để bắt được những khoảnh khắc cực nhanh như chim vỗ cánh
Tính năng chống rung (IS) rất tuyệt vời. Ở tiêu cự 400mm, nếu không có chống rung, ống kính sẽ lệch loạn lên và bạn sẽ rất khó khăn để chụp. Vì vậy những ống kính tele cũ đều phải dùng tripod hoặc monopod để ổn định, trong khi 55-250STM thì bạn hoàn toàn có thể cầm tay.
Chụp macro:
Dù không tốt bằng các lens chuyên macro, nhưng độ phóng to của 55-250 STM là rất ấn tượng. Độ chi tiết đủ nhìn thấy một con kiến bé tí. Khả năng này còn tốt hơn cả huyền thoại 135mm f/2 L.
Chụp tốc độ cao/thể thao:
Tiêu cự của 55-250mm STM là thừa đủ để chụp mọi loại hình thể thao nghiệp dư. Tuy nhiên chất lượng xóa phông không được tốt, kể cả so với đối thủ kém cỏi nhất trong dòng 70-200 như 70-200mm f/4 non IS.
Chụp phong cảnh:
55-250mm STM dùng để chụp phong cảnh rất ổn. Nhưng tất nhiên là không thể dùng lens này chuyên đi chụp phong cảnh được. Bạn chỉ dùng 55-250 STM khi cần chụp tòa nhà, kiến trúc, mặt trời, mặt trăng… ở rất xa, cần kéo gần lại. Khi chụp phong cảnh, 55-250mm STM cho ảnh rất sắc nét và màu sắc rất đẹp.
Ảnh chụp mặt trăng bằng lens 55-250mm STM
Hiệu ứng ngôi sao
55-250mm STM cho hiệu ứng ngôi sao 14 cánh. Tuy nhiên cũng như 18-55mm STM, hiệu ứng này khá là khó điều khiển. Có lúc nó xuất hiện ở ngay khẩu f/5.6. Từ f/8 đến f/14, hiệu ứng nhòe nhoẹt. Từ f/14 trở đi, ngôi sao hiện rõ ràng sắc nét. Trên nguồn sáng mạnh, cánh sao tòe làm 2.
Hiệu ứng ngôi sao 14 cánh của 55-250 STM
Chụp chân dung:
55-250mm STM chụp chân dung đẹp, một phần do màu sắc tươi sáng, trong trẻo, nịnh mắt. Chất lượng xóa phông ổn, tuy nhiên bạn sẽ phải đứng khá xa mới lấy được hết mẫu, nên nhiều khi lens này không phù hợp với không gian chật hẹp, đặc biệt là ở Việt Nam nói chung.
Chụp buổi tối
55-250mm STM chụp buổi tối hơi đuối do khẩu giới hạn f/4 – f/5.6. Khả năng xử lý ISO yếu kém của máy crop bình thường càng làm điểm yếu này thêm trầm trọng. May mắn là khi dùng trên máy tính, phần lớn mọi người sẽ không để ý độ nhiễu của ISO. Còn khi in ảnh sẽ thấy rất rõ.
Khi chụp thể thao buổi tối, ngoại trừ bạn dùng 7D Mark II, 750D, 760D, còn thì kết quả rất đáng buồn.
Chụp buổi tối trên combo crop 1.6x và 55-250 STM phần lớn là thảm họa, ảnh bị nhiễu nặng
Lỗi quang học
Viền tím: hầu như không thấy viền tím.
Hiện tượng lóa, chói: khi bên cạnh có nguồn sáng mạnh có xuất hiện nhưng không đáng kể.
Hiện tượng ảo ảnh: có bị một chút khi có nguồn sáng rất mạnh chiếu vào ống kính.
Cầm trên tay – cảm giác sử dụng
55-250mm STM là 1 trong những ông tele nhỏ và gọn nhất hiện nay. Nếu bạn là người chụp nghiệp dư thì việc cầm combo nhỏ gọn máy crop + 55-250mm STM là một điều tuyệt vời, hơn hẳn so với việc vác cục gạch 1D và các thể loại ống bazooka 400 đến 800mm. Ông zoom xoay dễ điều khiển, tự động lấy nét cũng rất dễ thao tác.
55-250 STM nhỏ gọn hẳn so với các đồng nghiệp: 75-300, 70-300 và 70-200 F/4
Khuyên dùng
Canon đã rất thành công trong việc tạo dựng tên tuổi cho dòng lens STM mới: lens nào cũng chất lượng. Và 55-250 STM không phải ngoại lệ. Lens vừa nhỏ vừa gọn, nhưng rất hữu dụng và vô cùng mạnh mẽ. So với các lens đời trước, 55-250 STM hầu như không thua kém. Và với người dùng nghiệp dư, có lẽ sẽ không thể hài lòng hơn với 55-250mm STM. 55-250 STM chất lượng tốt hơn 70-300mm non IS mà giá bằng 1 nửa. Combo chuyên nghiệp cho chất lượng tương tự hoặc hơn chút có thể sẽ ngốn của bạn 40 – 70 triệu!
Bạn sẽ chọn 55-250mm STM nếu:
– Bạn là người dùng nghiệp dư, với các mục đích chụp chân dung, chim chóc, thú hoang, thể thao, phong cảnh
– Phần lớn thời gian bạn chụp là ban ngày, nắng rực rỡ
– Bạn đang dùng máy crop và chưa có ý định nâng lên full-frame trong tương lai gần
Bạn sẽ không chọn 55-250mm STM nếu:
– Bạn là người dùng chuyên nghiệp, yêu cầu khắt khen về chất lượng ảnh, siêu nét và chi tiết, cần chụp cực nhanh, nắm bắt mọi khoảnh khắc
– Bạn sẽ nâng cấp sớm trong tương lai gần, và có hàng nghìn $ để nâng cấp
– Bạn chụp chân dung, chim chóc, thú hoang, thể thao vào buổi tối nhiều, cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Nguồn: DuyTom.Com